ampuchia, Lào và cả Myanmar sẽ qua mặt Việt Nam về lượng khách
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tuy là nước có cửa ngõ biên giới với Việt Nam nhưng trong tháng 2/2016, có chưa đến 10.000 lượt người Campuchia sang Việt Nam. Tính chung hai tháng đầu năm nay, tổng lượng khách từ nước này cũng chỉ có hơn 23.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước thông tin trên, là người nhiều kinh nghiệm về du lịch Lào, Campuchia, ông Nguyễn Văn Mỹ - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp Hội Lữ hành Việt Nam cho biết: "Đây là chuyện hết sức bình thường, bởi vì, thứ nhất, khách Campuchia qua Việt Nam chủ yếu là khách có thu nhập trung bình, có nhu cầu đi khám bệnh, tham quan chùa chiền ngắn ngày.
Nhưng giờ đây, dịch vụ y tế của Campuchia đã được nâng cấp, nên số lượng người qua Việt Nam thăm khám giảm mạnh.
Thứ hai, du lịch biển của Campuchia đã được chú trọng nhiều hơn, họ khai thác rất nhiều bãi biển đẹp, trong khi, nếu sang Việt Nam thì phải đi rất nhiều chặng, đến TPHCM rồi lại đi xe ra Vũng Tàu, Phan Thiết.
Thêm vào đó, nếu như trước đây, người Campuchia thích qua cao nguyên Lâm Đồng cụ thể là Đà Lạt để tận hưởng không khí trong lành, ngắm hoa, thì giờ đây họ cũng đã có cao nguyên Bokor rất đẹp.
Để thấy, du lịch Campuchia đang ngày càng phát triển và hoàn thiện, nên lượng khách họ qua Việt Nam giảm là hoàn toàn hợp lý.
Thứ ba, việc làm hộ chiếu đi ra nước ngoài của người dân Campuchia vô cùng khó khăn và đắt đỏ, một hộ chiếu giá cũng khoảng 100 USD là bình thường, nên người dân cũng nhiều phần ái ngại.
Thế nhưng cái chính tôi quan tâm không phải lượng khách Campuchia giảm sút, mà tôi thấy lo lắng hơn đó chính là trong khi giá trị du lịch của chúng ta chỉ tăng 0,9%, thì giá trị du lịch Campuchia tăng 11%".
Đặc biệt, trước nghịch lý du khách quốc tế đến Việt Nam thì giảm, nhưng lượng khách Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng, bình quân mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn 6 tỉ USD, ông Mỹ phân tích: "Tôi nghĩ đây cũng là việc dễ hiểu, bởi vì, nguồn cung ở trong nước không đáp ứng được nhu cầu, nên du khách muốn đi tìm những địa điểm mới, đi tìm những gì khác biệt.
Hơn nữa, giá thành các tour đi nước ngoài lại rẻ hơn, chất lượng tốt hơn nội địa, nên không lẽ gì ngườiViệt lại không đi''.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Mỹ, trong du lịch hiện tại bao gồm cả Lữ hành, Khách sạn và Nhà hàng. Lữ hành lại chia thành nội địa và quốc tế. Quốc tế bao gồm Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và Outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài và khách nước ngoài từ Việt Nam đến nước thứ 3).
Trong kinh tế, xuất khẩu là chuẩn để đánh giá tiềm lực. Với du lịch, việc xếp hạng cũng dựa chủ yếu vào khách inbound, những người mang ngoại tệ vào cho đất nước. Năm 2015, du lịch nội địa của Việt Nam tăng hơn 15%, ước đạt 45 triệu lượt khách.
Du lịch Outbound tăng hơn 20%, khoảng 6 triệu lượt khách. Ngược lại du lịch Inbound khựng lại, chỉ tăng gần 0,9%; chưa thể vượt mốc 8 triệu lượt khách. Đây là mức tăng thấp nhất từ 2009.
Biểu đồ tăng trưởng du lịch Inbound đang tuột dốc thê thảm, bất trị như xe đứt thắng. Năm 2010 tăng 35%, 2011 - 19%, 2012 - 14%, 2013 - 11%, 2014 - 4%".
Bản thân ông Mỹ cũng đặt ra câu hỏi: Vậy vì đâu nên nỗi?
Theo ông Mỹ, đa phần chúng ta đổ cho kinh tế khó khăn, giá dầu sụt giảm. Nhưng khó khăn cả thế giới, không riêng gì Việt Nam.Thống kê 2015 cho biết, khách Nga giảm 7,1%; khách Trung Quốc giảm 8,5%, khách Campuchia giảm 43,8%.
Khách đến Việt Nam tăng mạnh nhất là châu Phi với 44,3%, tiếp theo là Hàn Quốc 31,3% và Singapore là 16,9%.
Trong khi Việt Nam chững lại thì các nước Asean vẫn tăng trưởng tốt. Lào gần 4,3 triệu lượt khách, tăng 5%. Campuchia cán mốc 5 triệu lượt khách, tăng 11%. Singapore (chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc của Việt Nam) hơn 17 triệu lượt khách, tăng 14%.
Thái Lan bị đánh bom khủng bố nhưng tăng mạnh nhất, hơn 20%. Lần đầu tiên, Thái Lan đe doạ giành ngôi đầu của Malaysia với 29,6 triệu lượt khách. Nhật Bản dẫn đầu với mức tăng trưởng kỷ lục 47%. Cả thế giới, gặp đủ thứ khó khăn vẫn tăng trưởng 4,4%.
"Cứ đà này, chừng 3 - 4 năm nữa; Campuchia, Lào và cả Myanmar sẽ qua mặt Việt Nam về lượng khách. Xét về mặt hiệu quả đón khách du lịch trên dân số của Asean, Việt Nam hiện chỉ xếp trên Indonesia", ông Mỹ lo ngại.